Tháng cô hồn và những phong tục cúng lễ trên thế giới
Tháng cô hồn luôn khiến nhiều người lo lắng bởi những điều kiêng kị và có phần rùng rợn về thế giới tâm linh. Nguồn gốc tháng cô hồn từ đâu và sự thật là gì?
Tháng cô hồn theo quan niệm và thế giới tâm linh của người Việt là vào tháng 7 hàng năm. Đây là khoảng thời gian các cô hồn được trở về cõi trần và phải trở lại địa ngục khi tới ngày rằm tháng Bảy.
Nguồn gốc tháng cô hồn
Tháng 7 âm lịch hàng năm dân gian quan niệm đây là tháng của ma quỷ, đặc biệt là ngày rằm tháng bảy là ngày “xá tội vong nhân” – ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế, đó cũng chính là ngày “âm khí xung thiên”.
Xá tội vong nhân trong quan niệm của Đạo giáo dựa trên truyền thuyết cho rằng, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở cửa địa ngục – Quỷ môn quan - từ ngày 2/7 để ma quỷ được trở lại cõi trần, và đến rằm tháng 7 thì tất cả ma quỷ đều phải trở về, cửa địa ngục đóng lại.
Trong dân gian Việt Nam, các quan niệm, truyền thuyết của Phật giáo và Đạo giáo hòa lẫn với nhau. Vì vậy, người ta không chỉ đề phòng ma quỷ trong ngày rằm tháng 7 mà gần như suốt nửa đầu tháng, nên tháng 7 được gọi là tháng cô hồn. Họ cho rằng đây là tháng quỷ ma đầy đường nên con người hay gặp chuyện đen đủi.
Theo truyền thuyết, một đại đệ tử của Phật là đức A Nan Đà một buổi tối đang ngồi trong tịnh thì thấy một con ngạ quỷ người gầy quắt, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào, nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa (diệm khẩu) như nó. Quỷ nói: “Nếu muốn tránh thì ông phải bố thí cho lũ ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc đồ ăn, và cúng dường Tam bảo giúp chúng tôi, để chúng tôi được tái sinh vào cõi trên thì ông cũng được tăng thọ”.
Tôn giả A Nan Đà đem chuyện này nói với đức Phật. Phật bèn làm một bài chú tên là “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ đà la ni”, đem tụng trong lễ cúng tam bảo để cầu siêu thoát cho quỷ đói miệng lửa. Về sau, dân gian hiểu rộng ra thành lệ cúng và cầu phúc cho vong nhân nói chung, nhất là những cô hồn không có thân nhân cúng tế, phải vật vờ không nơi nương tựa.
Lễ cúng vốn mang tên “phóng diệm khẩu”, tức thả quỷ miệng lửa, dần dần thành xá tội vong nhân – tha tội cho mọi người đã chết.
Phong tục cúng lễ tháng Cô hồn ở Việt Nam và trên thế giới
Việt Nam
Hàng năm, người Việt cúng cô hồn kéo dài một tháng, tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau chứ không ấn định riêng một ngày nào. Người dân cũng quan niệm rằng, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đêm lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa,… đều tránh tháng 7. Cứ vào dịp Rằm tháng Bảy âm lịch, các gia đình thường thắp hương tưởng nhớ đến người thân và thiết mâm lễ cúng cho những vong hồn chưa được siêu thoát. Việc cúng Rằm tháng Bảy, có thể đến chùa, có thể cúng tại nhà gồm các lễ như: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, cúng thí thực cô hồn và cúng phóng sinh. Lễ cúng cô hồn thường được diễn ra vào buổi chiều.
Trên mâm cúng gia tiên bày đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi Âm làm bằng giấy tượng trưng từ những vật truyền thống (giống như đồ thật) như quần áo, giày dép, áo bào, cung điện, ngựa, các vật dụng trang sức..., mũ kepi, người giúp việc ... đến những vật hiện đại: nhà cao tầng, xe ô tô, xe máy, điện thoại... để cho người cõi Âm có được một cuộc sống tiện nghi giống như người Dương trần.
Lễ rước ma ở Đài Loan
Tại Đài Loan, tục cúng Cô hồn được diễn ra vào chủ yếu vào ngày rằm với ba phần khác nhau, đầu tiên là mời các vong hồn, cúng tế cho họ ăn vào ngày 15 và đưa tiễn họ vào ngày 29.
Chuẩn bị cho lễ này, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị các thứ như thịt, hoa quả, hoa tươi và các thứ khác để cúng trên chùa hoặc thực hiện ngay trước sân nhà mình. Nhà nào điều kiện hơn còn mời các vị sư về nhà hành lễ cầu siêu cho vong linh tổ tiên nhà mình và các linh hồn không nơi nương tựa khác. Lễ Cô hồn rất được chú trọng ở Đài Loan, dịp này họ cũng tổ chức rất nhiều lễ hội khác nhau như lễ hội rước ma, thả đèn hoa đăng với quy mô lớn và đậm chất nhân văn sâu sắc.
Tại Hồng Kông
Tục cúng Cô hồn được coi là một di sản văn hóa phi vật thể của nước này. Người dân nơi đây cúng tháng Cô hồn trong suốt cả tháng 7 với các hoạt động như đốt vàng hương, giấy vàng, phân phát gạo miễn phí, biểu diễn nhạc kịch…các hoạt động này được tổ chức theo như người Trung Quốc.
Singapore – Niềm tin siêu nhiên trong tháng Cô hồn
Cũng như các nước khác, dù kinh tế thuộc hàng phát triển mạnh nhưng vấn đề về tâm linh vẫn mang một màu sắc huyền thoại trong cuộc sống của họ và hơn hết tháng 7 là lúc mọi niềm tin vào lực lượng siêu nhiên lại càng lên cao gấp bội.
Người Singapore đốt hình một vị thần bảo trợ các hồn ma bằng giấy cao hơn 8 mét trong lễ hội tháng 7 năm ngoái. Họ nhìn cách vị thần cháy như thế nào để đoán vận của tương lai của mình.
Nhật bản với lễ hội Obon
Tháng Cô hồn ở Nhật Bản được tổ chức với lễ hội Obon (nghĩa là treo ngược lên), lễ này diễn ra vào tháng 8 dương lịch tức là tháng 7 âm lịch mang ý nghĩa người chết sẽ được thoát khỏi cảnh khổ cực nơi âm phủ.
Lễ Obon là một phong tục truyền thống của người Nhật theo Phật giáo, là dịp con cháu nhớ đến tổ tiên, thực hiện các công việc như cúng tế, hương khói, tảo mộ… với mong muốn người thân được siêu thoát, được an lạc dưới suối vàng. Trong lễ này họ sẽ chuẩn loại bánh khảo được làm từ bột gạo với nhiều màu sắc như màu xanh, đỏ, vàng…có hình hoa sen, kèm theo là những giỏ hoa quả với nhiều loại khác nhau được bày trí trên bàn thờ gọi là Obon-dana. Đặc biệt, đồ cúng của người Nhật Bản trong lễ cô hồn này sẽ được thay đổi theo từng ngày từ ngày 13, 14, 15 và ngày 16.
Kênh thông tin giải trí sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét